Thương vụ sát nhập 4,9 tỉ đô Úc bị từ chối – Quyền lực và vai trò của ACCC đối với nền kinh tế Úc

5 Tháng 8, 2023

 

Ngày thứ Sáu 4/8/2023 là một ngày đẹp trời như thường lệ với các nhân viên ngân hàng tại Úc nhưng lại là một ngày âm u với lãnh đạo của ngân hàng ANZ – một trong “tứ trụ” ngân hàng Úc và Suncorp – một ông lớn khác trên thị trường tài chính ngân hàng xứ sở kangaroo, khi mà Uỷ Ban Cạnh Tranh và Tiêu Dùng Úc (ACCC) thông báo rằng họ sẽ từ chối chấp thuận thương vụ ANZ sát nhập mảng ngân hàng của tập đoàn Suncorp diễn ra. Tin tức này lập tức gây sốc với nền kinh tế Úc vì đây có thể sẽ là thương vụ sát nhập ngân hàng lớn nhất tại Úc trong vòng 15 năm trở lại.

 

Vậy ACCC là ai và vai trò của ủy ban này là gì?

Uỷ Ban Cạnh Tranh và Tiêu Dùng Úc (ACCC) là một ủy ban nhà nước độc lập, được thành lập bởi Luật Cạnh Tranh và Tiêu Dùng 2010. Đây là đạo luật gốc của Luật Tiêu Dùng Úc (Australian Consumer Law) mà người tiêu dùng thường biết tới.

Chức năng chính của ACCC là quản lý và áp dụng những quy định của Luật Cạnh Tranh và Tiêu Dùng 2010 vào thực tế, bao gồm những quy định về luật cạnh tranh và luật bảo vệ người tiêu dùng.

 

Tại sao ACCC có khả năng gián đoạn một thương vụ tỉ đô?

Sẽ dễ dàng để có thể trả lời câu hỏi này hơn khi bạn đọc hiểu rõ về cách luật cạnh tranh của Úc vận hành.

Tóm tắt một cách ngắn gọn nhất, điều 50 của Luật Cạnh Tranh và Tiêu Dùng 2010 nghiêm cấm việc thực hiện các thương vụ sát nhập nếu như việc sát nhập có thể làm “giảm mức độ cạnh tranh một cách nghiêm trọng” trên thị trường.

Trong trường hợp vi phạm xảy ra, thương vụ sẽ bị đình chỉ và các bên liên quan có thể phải đối mặt với những mức phạt rất lớn, ví dụ như 50 triệu đô Úc đối với doanh nghiệp hoặc 2.5 triệu với cá nhân.

Vấn đề ở đây là: chỉ tòa án Úc mới có thể quyết định liệu rằng đã có sự vi phạm điều 50 hay chưa, và tòa án sẽ chỉ làm điều này khi có đơn xin tòa đề nghị xem xét. Trong hầu hết các vụ việc, bên khởi kiện chính là ACCC dựa theo chức năng chính của cơ quan này.

Đồng thời, điều 88 của Luật Cạnh Tranh và Tiêu Dùng 2010 cho phép các thương vụ sát nhập vi phạm điều 50 được tiếp tục diễn ra nếu như có được sự “chấp thuận” của ACCC.

Vì vậy, để loại bỏ nguy cơ phải hầu tòa vì bị ACCC “khởi kiện” về điều 50 – một tình huống không cá nhân hay tập thể nào mong muốn vì sự tốn kém và thời gian xét xử quá lâu sẽ làm giảm giá trị của thương vụ, trên thực tế các bên sẽ xin “chấp thuận” của ACCC trước khi thương vụ được tiến hành.

 

Chuyện gì đã diễn ra trong thương vụ sát nhập Suncorp vào ANZ?

Để có thể xin thành công “chấp thuận” của ACCC bằng điều 88, ANZ cần đưa ra lập luận tại sao điều 50 không áp dụng cho thương vụ này. Cụ thể hơn, ANZ đã đưa ra lý lẽ chi tiết trong bản báo cáo dài 258 trang của mình để trả lời hai luận điểm:

  1. Rằng thương vụ này sẽ không gây ra việc “giảm mức độ cạnh tranh một cách nghiêm trọng” trên thị trường tài chính ngân hàng.

Hoặc

  1. Rằng thương vụ này sẽ đem lại lợi ích cho công chúng, và những lợi ích này vượt trội hơn so với những hệ quả mà đồng thời thương vụ này có thể gây ra.

ACCC không đồng ý với lập luận số 1 và cho rằng việc sát nhập giữa hai ông lớn ngành tài chính ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới thị trường cho vay bất động sản nhà ở trên toàn quốc, thị trường tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại bang Queensland (tiểu bang hoạt động mạnh nhất của ngân hàng Suncorp) và thị trường tài chính nông nghiệp tại bang Queensland.

Đồng thời, ACCC cũng không đồng ý với lập luận số 2 và cho rằng nhưng lợi ích mà thương vụ sát nhập đem lại cho công chúng, ví dụ như giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng ANZ hoặc tạo điều kiện cho tập đoàn Suncorp tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm truyền thống, sẽ không vượt trội hơn so với những hệ lụy về khả năng cạnh tranh của thị trường mà thương vụ gây ra.

Ngân hàng ANZ đã tuyên bố sẽ làm đơn kháng cáo lên Tòa án Liên bang Úc xin được xem xét lại quyết định của ACCC. Vì vậy, thương vụ này sẽ chưa dừng lại và công chúng sẽ còn phải chờ đợi trong rất nhiều năm tiếp theo để theo dõi phán quyết cuối cùng của tòa án.

 

Ý chính

  • ACCC là một ủy ban nhà nước độc lập có chức năng quản lý và áp dụng những quy định của Luật Cạnh Tranh và Tiêu Dùng 2010 tại Úc.
  • Điều 50 của Luật Cạnh Tranh và Tiêu Dùng 2010 nghiêm cấm việc thực hiện các thương vụ sát nhập có nguy cơ “giảm mức độ cạnh tranh một cách nghiêm trọng” trên thị trường, trừ khi ACCC chấp thuận cho thương vụ diễn ra theo như điều 88.
  • Ngân hàng ANZ nộp đơn xin chấp thuận tới ACCC cho thương vụ sát nhập 4.9 tỉ đô Úc mảng ngân hàng của tập đoàn Suncorp. ACCC từ chối chấp thuận.
  • Lý do được đưa ra đó là thương vụ này sẽ có thể “giảm mức độ cạnh tranh một cách nghiêm trọng” trên thị trường tài chính ngân hàng và đồng thời nhưng lợi ích mà thương vụ sát nhập đem lại cho công chúng sẽ không vượt trội hơn so với những hệ lụy mà thương vụ gây ra.

 

*Miễn trừ pháp lý: tất cả những nội dung trong bài viết này chỉ mang tính tham khảo và không được coi là lời tư vấn pháp lý cũng như không tạo ra quan hệ giữa luật sư và khách hàng. Chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý cho việc những nội dung trong bài viết này được trình bày và những hậu quả kèm theo. Chúng tôi luôn cố gắng cung cấp thông tin một cách chính xác nhất, tuy nhiên xin vui lòng hiểu rằng các quy định và điều luật luôn được thay đổi thường xuyên. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho bất kì sai sót nào về thông tin và nội dung của bài viết này và những tổn thất, hậu quả kèm theo từ việc dựa theo những thông tin, nội dung đó, hoặc hậu quả vì bất kì lý do nào khác có liên quan tới bài viết này.

To Top